Khám phá

9 thói quen khiến bạn dù làm cật lực vẫn chẳng thể thành công

Khi nỗ lực nhưng kết quả lại không được như mong muốn, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh mà hãy tìm hiểu nguyên nhân cụ thể khiến bạn không thể chạm tay tới thành công.

Mơ mộng viển vông

1

Ai trong chúng ta đều có những ước mơ cho riêng mình. Tuy nhiên, một số người lại có xu hướng mơ mộng quá mức, không thực tế và thưởng sống trong ảo tưởng. Họ mộng tưởng về những điều xa vời và mong muốn tất cả thành sự thật dù bản thân không hề nỗ lực, cố gắng.

Chỉ đứng mãi một chỗ và mơ tưởng, thành công sẽ không bao giờ đến. Hãy thay đổi thói quen và cuộc sống nhàm chán hiện tại của mình. Muốn đạt được ước mơ, đừng chần chừ mà hãy bắt tay ngay vào những điều bạn đã ấp ủ bấy lâu, biến giấc mơ thành hiện thực.

Không tập trung vào mục tiêu cụ thể

2

Mỗi ngày bạn dành ra bao nhiêu thời gian để lướt các trang facebook hay ứng dụng mua sắm online? Có không ít người trong chúng ta thường xuyên bị rơi vào tình trạng mỗi ngày đều tự nhủ: “Mình chỉ lướt web thêm 5 phút nữa thôi rồi làm việc” nhưng rất tiếc con số đó lại chẳng bao giờ dừng ở 5.

Cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên tiện ích hơn. Các luồng thông tin đến từ khắp nơi trên thế giới, các ứng dụng ra đời khiến có quá nhiều thứ hấp dẫn mà ta khó lòng bỏ qua. Chúng ta đắm chìm trong việc lướt web, xem cái này cái kia trong khi có rất nhiều công việc chưa hoàn thành hay cả núi chén bát, quần áo bẩn đang chờ…

Để có năng suất làm việc cao hơn, tập trung hoàn thành được mục tiêu, bạn có thể sử dụng kỹ thuật Pomodoro. Đây là phương pháp cho phép bạn chia nhỏ thời gian công việc xen kẽ nghỉ ngơi. Ví dụ, bạn đặt ra nhiệm vụ hoàn thành trong vòng 25 phút. Đây sẽ là khoảng thời gian bạn phải làm tập trung không gián đoạn. Sau khi hoàn thành công việc trong thời gian này, bạn được phép giải lao khoảng 5 phút.

Không theo đuổi mục tiêu đến cùng

3

Bạn đã bao giờ làm nhiều thứ cùng một lúc và cuối cùng không thể hoàn thành bất kỳ việc nào chưa? Chắc chắn điều đó đã xảy ra với hầu hết chúng ta ít nhất một lần trong đời. Đó có thể là mục tiêu luyện tập thể thao cùng bạn bè, tuân theo chế độ ăn uống hợp lý hay dự án nào đó bạn từng rất hào hứng nhưng dừng lại chỉ sau một vài tuần hay một tháng…

Chỉ có một lý do duy nhất cho tình huống này, đó là sự thiếu kiên trì và các kết quả không được như mong muốn khiến bạn nản chí. Ở Nhật Bản, có một từ đặc biệt mô tả hội chứng này là “nhà sư 3 ngày”. Số 3 ở đây là tượng trưng cho số ngày trung bình bạn bùng nổ sự hăng hái và nhiệt tình với một việc. Để không biến mình thành những “nhà sư”, hãy tập thói quen làm mọi thứ từ từ và kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu.

Vô trách nhiệm với hành động của bản thân

4

Không phải sự việc nào xảy ra cũng là do lỗi của bạn nhưng hãy có trách nhiệm với mỗi hành động của mình. Việc đổ lỗi cho người khác hay đổ lỗi cho những khó khăn, phủ nhận trách nhiệm sẽ không giúp bạn thay đổi tình hình.

Hãy có trách nhiệm với hành động của mình, bạn có thể nhìn ra những lỗi sai và tìm hướng giải quyết tốt hơn, rút kinh nghiệm cho lần sau. Khả năng thừa nhận sai lầm của chính mình và sửa chữa những sai lầm ấy chính là bước đầu tiên và quan trọng nhất trên con đường đến thành công.

Thiếu sự ủng hộ của người thân

5

Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên người thành công chính là sự ủng hộ của những người thân yêu. Song sự thật là trong chúng ta, không phải ai cũng nhận được sự động viên, ủng hộ từ phía bạn bè thân thiết hay người thân trong gia đình.

Đôi khi, thay vì nhận được sự hỗ trợ, chúng ta phải đối mặt với sự tiêu cực và hiểu lầm từ phía họ khiến việc theo đuổi con đường mình lựa chọn càng trở nên khó khăn. Trong tình huống này, đừng nên nổi giận hay gây ra xung đột. Hãy giải thích, chia sẻ nhiều hơn với người thân về ước mơ, mục tiêu bạn đang theo đuổi và nói cho họ biết bạn mong nhận được sự hỗ trợ của họ thế nào.

Suy diễn quá nhiều, thiếu quyết đoán

6

Khi gặp phải một điều gì đó không được như ý muốn trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ quá nhiều về những điều tiêu cực. Tự suy diễn không giúp bạn giải quyết vấn đề mà chỉ khiến bạn lún sâu vào vấn đề khó giải đáp. Những dòng suy nghĩ tiêu cực này có thể ăn sâu vào tâm trí bạn, thậm chí khiến bạn trầm cảm.

Hãy học cách phân tích và nhìn nhận vấn đề một cách lành mạnh hơn. Tạm gác lại những điều làm mình chùn bước và hướng về phía trước, những mục tiêu mà bạn muốn đạt được.

Luôn tìm cách đổ lỗi

7

Có 2 kiểu người trên thế giới, một bên luôn tìm cách đổ lỗi cho những người xung quanh về thất bại của họ và những người luôn chịu trách nhiệm về hành động của mình. Những người thích đổ lỗi cho rằng mọi khó khăn của họ là do chính phủ, do chế độ nơi họ sinh sống hay do chính cha mẹ khiến họ chẳng thể thành công.

Trong khi đó, những người thuộc kiểu còn lại luôn tự tìm cách xoay sở để đạt được thành công. Họ hiểu rằng thành công chỉ có được khi ta nỗ lực, kiên trì với mục tiêu của bản thân, chẳng có lý do gì để đổ lỗi cho người khác.

Và ngạc nhiên là, với họ, sự thất bại chính là động lực để kích thích họ đạt được thành công. Hãy nhớ rằng không ai có lỗi với những thất bại của bạn ngoại trừ bạn và không ai ngoại trừ bạn có thể giúp bạn đạt được thành công và hạnh phúc.

Mục tiêu không thực tế

8

Ai cũng có ước mơ song ước mơ một cách quá xa vời, không thực tế sẽ chỉ khiến bạn nhanh chóng nản chí và thất bại mà thôi. Mỗi người cần hiểu rõ những nguồn lực mà mình có để đặt ra mục tiêu một cách hợp lý, tăng khả năng đạt được mục tiêu.

Phương pháp SMART có thể giúp bạn rất nhiều trong việc thiết lập và phân tích mục tiêu. Nếu bạn có một ước mơ không thực tế, phương phá này sẽ giúp bạn xây dựng mục tiêu ấy theo cách khác hoặc chia thành các mục tiêu nhỏ.

Công thức của phương pháp SMART gồm:

S – Specific: Hãy cụ thể hóa mục tiêu, khiến mục tiêu trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn.

M – Measurable: Phải đo lường được mục tiêu của mình theo ngày, theo tuần. Ví dụ, thay vì mục tiêu là giảm cân, bạn hãy đo lường bằng cách đặt mục tiêu “giảm 1 kg trong 2 tuần”.

A – Attainable: Bạn cần biết điều gì bản thân có khả năng đạt được. Ví dụ, khi mục tiêu quá xa vời khiến bạn chán nản, hãy chia nhỏ mục tiêu và thời gian hoàn thành mục tiêu.

R – Relevant: Thực hiện những việc liên quan đến mục tiêu của mình. Nếu bạn muốn đi du học, cần hoàn thành mục tiêu học ngoại ngữ và đạt được các bằng cấp, chứng chỉ có liên quan.

T – Time-Bound: Giới hạn thời gian hoàn thành mục tiêu. Hãy cụ thể từng thời gian hoàn thành mục tiêu nhỏ và đặt ra thời hạn hoàn thành mục tiêu chính của bạn.

Không biết học từ những thất bại

9

Trong chúng ta có ai mà chưa từng trải qua thất bại. Đôi khi bạn rất nỗ lực song kết quả lại không như mong đợi. Trong trường hợp này, chúng ta có 2 lựa chọn: chán nản, tiếc thay cho bản thân hoặc phân tích tình huống, tìm ra những sai lầm để rút kinh nghiệm lần sau.

Hãy nhìn vào thành công của Stephen King, một tấm gương sáng về sự kiên trì bền bỉ. Mặc dù bị biên tập viên từ chối 30 lần để xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình mang tên Carrie, ông vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê và trở thành ông hoàng của những tác phẩm kinh dị lừng lẫy.

Chúng ta sống cho ngày hôm nay và ngày mai chứ không phải là quá khứ. Vì thế, nếu đã từng thất bại, không nên tự trách mình và chìm trong sự đau khổ mà hãy mạnh mẽ tiến lên phía trước.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button