Cần biết

Phân biệt Chùa, Đền, Đình, Miếu, Am, Quán, Phủ để không lễ nhầm

Trong tín ngưỡng của người Việt, có nhiều cơ sở văn hóa tâm linh khác nhau như Chùa, Đền, Đình, Miếu, Am, Quán, Phủ, Tịnh Xá…

Vào đầu năm, ngày lễ, Tết hay Rằm, mồng Một chúng ta thường vẫn hay đi lễ tại Chùa, Am, Đình, Đền, Miếu, Phủ, Quán… nhưng rất nhiều người không để ý phân biệt sự khác nhau của những cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng này.

Dưới đây là những thông tin cơ bản nhất giúp bạn dễ hình dung chùa, am, đình, đền, miếu, phủ, quán, tịnh xá… là gì và thờ ai…

Chùa: Chùa là nơi thờ Phật và cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của Phật tử, nơi sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các nhà sư, tăng ni. Ở một số nơi, chùa cũng là nơi cất giữ xá lị và chôn cất các vị đại sư.

Ở Việt Nam, có rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng như Chùa Hương, Chùa Yên Tử, Chùa Một Cột, Chùa Dâu, Chùa Thiên Mụ, Chùa Thầy, Chùa Bà Đanh, Chùa Trấn Quốc, Chùa Vĩnh Nghiêm.

chua huong tich

Chùa Hương

Am: Hiện được coi là một kiến trúc nhà thờ Phật. Gốc của Am được nghĩ tới từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng Làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Từ đời Đường, Am là nơi tu hành và thờ Phật của ni cô đặt trong vườn tư gia. Với người Việt, Am là nơi thờ Phật (Hương Hải am tức Chùa Thầy, Thọ Am tức Chùa Đậu – Hà Tây…) cũng có khi là ngôi miếu nhỏ thờ thần linh của xóm làng – Vào thế kỷ XV (thời Lê sơ) Am còn là nơi ở tĩnh mịch để đọc sách làm thơ của văn nhân.

am tho cong chua my chau

Am thờ Công chúa Mỵ Châu

Ngoài Chùa, Am thì có Tịnh Xá cũng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng tăng ni Phật tử phái Khất Sĩ.

Đền: Là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần hoặc một danh nhân quá cố. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là các đền thờ được xây dựng để ghi nhớ công ơn của các anh hùng có công với đất nước hay công đức của một cá nhân với địa phương được dựng lên theo truyền thuyết dân gian.

Có thể kể tên một số ngôi đền nổi tiếng như Đền Hùng, Đền Trần, Đền Quán Thánh, Đền Bạch Mã, Đền Voi Phục, Đến Sóc…

den quan thanh

Đền Quán Thánh

Miếu: Là một dạng di tích văn hóa trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, có quy mô nhỏ hơn đền. Miếu thường ở xa làng, yên tĩnh, thiêng liêng và là nơi thờ các vị thánh thần. Khi miếu phối hợp với thờ Phật thì được gọi là Am, ở Nam bộ gọi là Miễu. Miếu và đền về kiểu mẫu thì giống nhau, chỉ khác nhau về quy mô. Các miếu thường thờ các vị thần như miếu thổ thần, thủy thần, sơn thần, miếu cô, miếu cậu…

miwu ba chua xu

Miếu Bà Chúa Xứ

Đình: Là công trình kiến trúc cổ truyền của làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân. Ban đầu, đình là điểm quán để nghỉ của các làng mạc Việt Nam. Đến khoảng giữa thế kỷ 13, vua Trần Nhân Tông cho đắp các tượng Phật ở các đình quán. Sau đó, đến thời Lê sơ, các đình làng bắt đầu là nơi thờ thành hoàng làng và là nơi hội họp của dân chúng. Đình làng thường được bố trí ở trung tâm làng xã, địa điểm thoáng đãng nhìn ra sông nước. Trong tiềm thức văn hóa người Việt, đình làng gắn liền với hình ảnh cây đa, giếng nước, là địa điểm sinh hoạt chung và hồn vía của làng xã.

dinh lang la xuyen y yen nam dinh

Đình làng La Xuyên, Ý Yên, Nam Định

Phủ: Thường là nơi thờ Mẫu – phủ Gầy, phủ Tây Hồ… một số nơi thờ tự (không nhất thiết thờ Mẫu) ở Thanh Hóa cũng gọi đền là phủ. Suy cho cùng phủ là một nơi thờ tự Thánh mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn, vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật). Ngôi phủ sớm nhất còn lại hiện biết là điện thờ các thần vũ nhân ở chùa Bút Tháp, có niên đại vào giữa thế kỷ VVII.

phu day nam dinh

Phủ Dầy, Nam Định

Quán: Một dạng đền gắn với đạo Lão (Đạo giáo). Tùy theo từng thờ mà có các dạng thức thờ tự khác nhau. Vào các thế kỷ XI và XIV đạo Lão ở Việt nặng xu hướng thần tiên nên điện thờ thực chất chỉ như của một ngôi đền thờ vị thần thánh cụ thể.

bich cau dao quan

Bích Câu đạo quán

Như Bích Câu đạo quán thờ Tú Uyên, rồi đền thờ Từ Thức… Sang tới thế kỷ XVI và XVII, sự khủng hoảng của Nho giáo đã đẩy một số nhà Nho và một bộ phận dân chúng quan tâm nhiều tới Lão giáo, và điện thờ đạo Lão có nhiều sự phát triển mới, với việc thờ cúng các thần linh cơ bản theo Trung Hoa. Đó là Tam thanh (Nguyên Thủy Thần Tôn, Linh Bảo Đạo Quân, Thái Thượng Lão Quân), Ngũ Nhạc mà nổi lên với Đông Phương Sóc và Tây Vương Mẫu, rồi Thánh Phụ, Thánh Mẫu. Cửu Diệu Tinh Quân (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Mặt Trời, Mặt Trăng, Hồ phủ, Kế đô) đồng thời trên chính điện cũng có cả tượng của Hoàng Quân giáo chủ (Ngọc Hoàng) – Có thể kể tới các quán điển hình như: Hưng Thánh Quán, Lâm Dương Quán, Hội Linh Quán, Linh Tiên Quán… đều ở Hà Tây.

Như vậy, chúng ta sẽ thấy có sự khác nhau giữa:

– Chùa (Am, Tịnh Xá) là nơi thờ Phật, các vị Bồ Tát. Khi đi lễ chùa, tuyệt đối không được cúng đồ mặn

– Đình, Đền, Miếu là nơi thờ các vị Thần, Thánh, Mẫu mang dấu ấn tín ngưỡng của mỗi địa phương. Khi đi lễ Đình, Đền, Miếu có thể cúng đồ mặn.

Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của Tam Giáo đồng nguyên nên nhiều ngôi chùa có thêm cả nơi thờ Mẫu hoặc bên cạnh chùa có cả Đình thờ Thành hoàng làng.

Đi lễ chùa, đình, đền, miếu, phủ… đều thể hiện tấm lòng thành kính và sở nguyện được may mắn, bình an, hạnh phúc của mỗi người dân Việt Nam. Do vậy, cần tìm hiểu kỹ lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nơi mình đến để thực hiện nghi thức nghi lễ sao cho đúng và trang trọng.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button