Mang thai tháng thứ 7
Mang bầu tháng thứ 7, mẹ bầu có thể theo dõi tuần thứ 25, tuần 26, tuần 27, tuần 28 thai kỳ qua các giai đoạn phát triển như sau…
Bạn đã bước sang tháng thứ 7 của thai kỳ rồi. Thật tuyệt vời vì bé yêu của bạn đã mọc nhiều tóc. Bạn hãy theo dõi các giai đoạn của bé phát triển qua các tuần thai nhé:
Mang thai tháng thứ 7 |
Mang thai tuần thứ 25
Tính từ đỉnh đầu đến gót chân, em bé của bạn bây giờ dài khoảng 34,6cm, nặng 660g – không lớn hơn một cây củ cải Thụy Điển. Bé bắt đầu trông mập mạp hơn, làn da nhăn nheo dần căng mịn ra giống một đứa trẻ sơ sinh. Bé cũng đang mọc nhiều tóc và nếu nhìn qua hình ảnh siêu âm, bạn có thể biết được màu sắc và kết cấu sợi tóc bé (xoăn, thẳng…).
Chú thích:
Tóc: Bé đã bắt đầu mọc tóc, có màu sắc và kết cấu các sợi tuy nhiên đôi khi chúng có thể sẽ thay đổi sau khi con bạn được sinh ra.
Tử cung: Tử cung đang phát triển gây áp lực lên các mạch máu lưu thông máu về tim, có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt nếu nằm ngửa quá lâu.
Lớp mỡ: Bé con của bạn bắt đầu tích mỡ. Do đó da của bé bắt đầu mềm mại dần và trông giống một trẻ sơ sinh hơn.
Những biến đổi trong cuộc sống mẹ bầu khi mang thai thai tháng thứ bảy.
Thời điểm này, mái tóc của bạn sẽ dày và bóng mượt hơn. Điều này không có nghĩa là bạn mọc tóc nhanh và nhiều mà nhờ có sự thay đổi nội tiết tố, tóc bạn sẽ rụng ít hơn so với bình thường. Hãy tận hưởng giai đoạn này vì sau khi sinh con, tình trạng rụng tóc sẽ rất “tệ hại”.
Bạn cũng có thể nhận thấy rằng mình không còn có khả năng đi lại nhẹ nhàng như trước nữa. Trừ khi bác sĩ đã tư vấn nếu không, bạn vẫn nên tiếp tục tập thể dục.
Tuy nhiên bạn cần tuân theo một số quy tắc an toàn: Không hoạt động khi bạn đang cảm thấy quá mệt mỏi và dừng lại ngay nếu bạn cảm thấy đau, chóng mặt, hoặc khó thở. Đừng nằm ngửa và tránh các môn thể thao cũng như các bài tập thể dục khiến bạn mất thăng bằng. Hãy uống nhiều nước, và dành thời gian khởi động và nghỉ ngơi hợp lí.
Các bà bầu nên vận động nhẹ nhàng.
Khi bạn làm xét nghiệm sàng lọc glocose vào tuần thứ 24 đến tuần thứ 28, một ống máu thứ hai của bạn có thể được thực hiện tại cùng một thời điểm để kiểm tra các bệnh thiếu máu. Nếu xét nghiệm máu cho thấy bạn bị thiếu máu do thiếu sắt (phổ biến nhất của bệnh thiếu máu), bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tăng cường bổ sung sắt.
Bạn đã bắt đầu suy nghĩ về tên con chưa? Chọn một tên là một quyết định thường gây tranh cãi, nhưng nó cũng là một việc khiến các ông bố bà mẹ hạnh phúc và hào hứng. Bạn có thể tham khảo người thân, bạn bè và cùng bàn bạc với chồng để tìm ra cái tên vì nó sẽ theo con bạn suốt cả cuộc đời.
Mang thai tuần thứ 26
Mạng lưới các dây thần kinh thính giác trong tai của bé được phát triển tốt hơn và nhạy cảm hơn trước. Bây giờ bé có thể nghe thấy cả giọng nói của bạn và chồng khi ngồi nói chuyện với nhau.
Bé hít vào và thở ra một lượng nhỏ nước ối, đó là điều cần thiết cho sự phát triển của phổi. Những cử chỉ hô hấp là sự tập luyện tốt để khi bé sinh ra sẽ hít thở luồng không khí đầu đời ngoài bụng mẹ. Và bé vẫn tiếp tục tăng cân.
Bé bây giờ dài 35,6cm tính từ đầu đến gót chân và nặng 760g (chiều dài cỡ cây hành ta). Nếu con bạn là một bé trai, tinh hoàn sẽ sớm bắt đầu di chuyển dần vào bìu. Quá trình này sẽ mất khoảng 2 đến 3 tháng.
Lưng: Bạn sẽ bị đau lưng do sự chuyển đổi trọng tâm cơ thể và các hormon thai kì làm lỏng các khớp xương và dây chằng.
Bộ phận sinh dục: Nếu con của bạn là một bé trai thì tinh hoàn của bé sẽ sớm bắt đầu di chuyển dần vào bìu. Quá trình này sẽ mất khoảng 2 đến 3 tháng.
Tai: Hệ thống dây thần kinh trong tai bé đang phát triển. Điều này có nghĩa là phản xạ của bé với âm thanh ngày càng đồng nhất hơn.
Những biến đổi trong cuộc sống mẹ bầu khi mang thai thai tháng thứ bảy.
Thời điểm này có phải bạn đang vội tìm một lớp học sinh nở không và chuẩn bị phòng ngủ cho em bé trong khi vẫn hoàn thành tất cả các công việc hàng ngày khác? Bạn nên chú ý giữ gìn sức khỏe và đảm bảo thực hiện chế độ dinh dưỡng cần thiết của bà bầu.
Khoảng thời gian này, huyết áp của bạn có thể tăng nhẹ, mặc dù nó có thể vẫn thấp hơn so với trước khi có thai. (Thông thường, huyết áp giảm xuống vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên, và nó có xu hướng đạt mức thấp khoảng tuần thứ 22 đến 24.)
Tiền sản giật – một hiện tượng nghiêm trọng đặc trưng do huyết áp cao, thường xuất hiện sau tuần thai thứ 37, nhưng nó có thể xảy ra trước đó, điều quan trọng là bạn phải nắm rõ được những dấu hiệu cảnh báo. Hãy đến bệnh viện ngay nếu bạn bị sưng phù mặt hoặc bọng quanh mắt, sưng tay, sưng quá mức hoặc quá đột ngột bàn chân hoặc mắt cá chân, hoặc tăng cân nhanh chóng (hơn 4-5 kg trong một tuần).
Tiền sản giật nặng hơn, bạn có thể gặp các triệu chứng khác. Hãy nhờ chồng hoặc người thân đưa đi khám ngay lập tức nếu bạn bị đau đầu nặng hoặc kéo dài, thay đổi thị lực (bao gồm hoa mắt hoặc mờ, nhìn thấy những đốm hoặc đèn nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng, hoặc mất thị lực tạm thời), đau dữ dội hay đau ở bụng trên, hoặc nôn mửa.
Nếu lưng dưới của bạn gần đây hay đau nhức, thì điều này là do tử cung đang phát triển làm thay đổi trọng tâm, dạ con căng giãn, làm suy yếu cơ bụng của bạn rồi chèn vào dây thần kinh – cũng như thay đổi hoóc môn relaxin làm nới lỏng các khớp xương và dây chằng của bạn.
Thêm vào đó, trọng lượng bụng bầu bạn đang mang khiến cơ bắp phải chống đỡ và làm gia tăng sức ép lên các khớp xương, đó là lý do tại sao bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi vào cuối ngày. Đi, đứng, hoặc ngồi lâu, cũng như cử động, xách đồ đều gây áp lực lên lưng.
Tắm bằng nước ấm có thể cải thiện được tình trạng này (Một số phụ nữ lại thấy gạc lạnh khiến họ dễ chịu hơn.) Cố gắng duy trì tư thế hợp lí trong ngày, tránh các hoạt động đòi hỏi phải cử động nhiều cùng một lúc, nghỉ ngơi thư giãn thường xuyên khi phải ngồi hoặc đứng nhiều, nằm ngủ nghiêng sang bên trái hoặc đầu gối gập với một cái gối để giữa hai chân, sử dụng một chiếc gối khác để kê dưới bụng.
Mang thai tuần thứ 27
Tuần này, em bé nặng 875g và dài khoảng 36,6cm với đôi chân vẫn đang tăng kích thước. Bé ngủ và thức dậy rất đều đặn, mắt nhắm và mở thuần thục, thậm chí bé có thể mút ngón tay. Với các mô phát triển, não của bé giờ đã rất linh hoạt. Phổi vẫn còn non nớt, nên nếu bạn sinh non lúc này, cần rất nhiều hỗ trợ y tế để bé có thể hô hấp bình thường.
Từ giờ bé sẽ bắt đầu biết nấc. Mỗi lần như vậy thường chỉ kéo dài một vài phút. Vì hiện tượng này không ảnh hưởng gì đến bé cả nên bạn chỉ cần thư giãn và “tận hưởng” cảm giác “nhột nhột” trong bụng.
Miệng: Con của bạn đã biết mút ngón tay và bạn sớm sẽ cảm nhận được những cơn nấc của bé trong bụng bây giờ và những tuần thai sau.
Mắt: Mắt bé đã biết nhắm mở, bé ngủ và tỉnh giấc theo khoảng thời gian lặp lại thường xuyên.
Tử cung: Do tử cung đang phát triển nên tạo áp lực lên các mạch máu lưu thông máu từ chân, bạn sẽ thường xuyên bị chuột rút từ giờ và về sau.
Những biến đổi trong cuộc sống mẹ bầu khi mang thai tháng thứ bảy.
Tam cá nguyệt thứ hai sắp kết thúc (từ tuần 14 đến 27 của thai kì), cơ thể bạn đang “tăng tốc” cho “vòng đua” cuối cùng và bạn có thể bắt đầu nhận thấy một số triệu chứng mới. Cùng với việc các cơn đau quay trở lại, giờ cơ bắp chân của bạn sẽ bị chuột rút và hiện tượng này còn xuất hiện cả về sau. Tử cung của bạn đang mở rộng kích thước để phù hợp sự phát triển của thai nhi gây áp lực lên các tĩnh mạch lưu thông máu trong chân.
Thật không may, tình trạng chuột rút sẽ càng phổ biến hơn trong những tuần thai sắp tới. Chuột rút thường xảy ra vào ban đêm nhưng đôi khi cũng có thể xuất hiện vào ban ngày.
Khi bị chuột rút, bạn hãy duỗi thẳng chân, sau đó nhẹ nhàng uốn cong các ngón chân về phía ống chân. Đi bộ một vài phút hoặc xoa bóp bắp chân cũng sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
Mẹ bầu không nên đi giày cao gót |
Mang thai tuần thứ 28
Tuần này, em bé của bạn có trọng lượng 1kg và dài 37,6cm tính từ đỉnh đầu đến gót chân.
Bé có thể chớp mắt với bộ lông mi lưa thưa. Với thị lực đang phát triển, bé có thể nhìn thấy ánh sáng bên ngoài xuyên qua tử cung của bạn. Bé cũng sản sinh hàng tỷ tế bào thần kinh trong não và bổ sung thêm chất béo cho cơ thể để chuẩn bị thích nghi cuộc sống ở thế giới bên ngoài.
Mắt: Giờ bé đã có lông mi.
Tử cung: Bạn có thể cảm nhận được “thai máy” thường xuyên hơn.
Lớp mỡ: Lớp mỡ phát triển để chuẩn bị cho bé có thể thích nghi được với môi trường bên ngoài bụng mẹ.
Những biến đổi trong cuộc sống mẹ bầu khi mang thai tháng thứ bảy.
Tam cá nguyệt thứ ba (từ tuần 27 đến tuần thứ 41) và cũng là kì cuối cùng sẽ bắt đầu trong tuần này. Nếu bạn giống như hầu hết phụ nữ, bạn sẽ tăng khoảng 0,4kg mỗi tuần trong tam cá nguyệt này.
Bạn nên đi khám bác sĩ và siêu âm 2 tuần 1 lần. Sau đó, vào tuần thai thứ 36, bạn sẽ chuyển sang thăm khám hàng tuần.
Tùy thuộc vào các yếu tố, bác sĩ có thể thường xuyên đề nghị bạn làm xét nghiệm máu HIV và giang mai vào thời điểm này, cũng như chlamydia và bệnh lậu, để chắc chắn về tình trạng của bạn trước khi lâm bồn. Ngoài ra, nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc đường huyết cao và bạn chưa làm thử nghiệm tiếp theo, bạn sẽ sớm được làm thử nghiệm dung nạp glucose trong 3 giờ.
Và nếu kết quả xét nghiệm máu được thực hiện ở lần khám tiền sản đầu tiên cho thấy bạn có nhóm máu Rh âm tính, bạn sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh để ngăn chặn cơ thể bạn phát triển các kháng thể có thể tấn công máu của bé. (Nếu em bé của bạn là Rh dương tính, bạn sẽ được tiêm Rh globulin miễn dịch sau khi sinh con.)
Khoảng thời gian này, một số phụ nữ sẽ cảm thấy khó chịu vì bị “cuồng chân”, bị “thôi thúc” di chuyển trong khi đang cố gắng thư giãn hoặc ngủ. Cảm giác khó chịu gồm: ngứa ngáy hoặc thấy như có kim châm vào chân. Nếu cảm giác này giảm đỡ khi bạn di chuyển, bạn có thể đã mắc hội chứng “Chân không ngừng nghỉ” (RLS) – do rối loạn hệ thống thần kinh.
Không ai biết nguyên nhân của chứng RLS, nhưng hiện tượng này tương đối phổ biến ở các bà bầu. Hãy thử duỗi thẳng và xoa bóp chân, hạn chế sử dụng các thực phẩm đồ uống chứa caffeine vì chúng có thể làm tình trạng nặng hơn. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ liệu bạn có nên bổ sung sắt không vì đôi khi nó có thể làm giảm RLS.
Xem clip mang thai tháng thứ 7