Khám phá

Đưa 3 xác ướp Ai Cập vào máy chụp CT, những bức ảnh ‘bóc trần’ sự thật giấu kín 3000 năm

Những bức ảnh chụp CT cho thấy, một trong ba xác ướp có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với cỗ quan tài to lớn.

Tháng 10/2014, ba “bệnh nhân” vô cùng đặc biệt đã được chào đón tại Viện X-quang Mallinckrodt của Trung tâm Y tế Đại học Washington, Hoa Kỳ.

Họ gồm có: Amen-Nestawy-Nakht, nam giới đến từ Bảo tàng Nghệ thuật Saint Louis; Pet-Menekh, nam giới, và Henut-Wedjebu, nữ giới cùng đến từ Bảo tàng Nghệ thuật Mildred Lane Kemper.

Vô cùng đặc biệt ở chỗ: họ chính là ba xác ướp Ai Cập.

1

Cận cảnh xác ướp Henut-Wedjebu. Ảnh: Joe Angeles/ Đại học Washington

Các xác ướp này được bảo tàng gửi tới để kiểm tra tình trạng bảo quản và thu thập thêm thông tin bằng phương pháp chụp cắt lớp vi tính (CT). Công nghệ chụp CT mới có thể giúp các nhà nghiên cứu tái hiện khung xương, mô và các cơ quan bằng hình ảnh 3D mà không làm tổn hại đến xác ướp.

Trên thực tế, hai xác ướp tại Bảo tàng Kemper đã từng được chụp X-quang tại trung tâm y tế từ những năm 1960. Tuy nhiên, công nghệ hình ảnh ở thời điểm hiện tại đã được cải thiện đáng kể so với thời điểm đó và chắc chắn sẽ cho ra những bản quét chi tiết hơn.

Ba xác ướp này đã được Đại học Washington nghiên cứu trong hơn 100 năm qua. Sinh viên các khoa nhân chủng học, lịch sử nghệ thuật hay khảo cổ đều hiểu rất rõ về chúng. Tuy nhiên, có những bí mật ẩn giấu bên trong chỉ được hé lộ thông qua những bức ảnh chụp CT.

Bất ngờ từ ảnh chụp CT

Cái tên Henut-Wedjebu trong tiếng Ai Cập có nghĩa là “ca sĩ của thần Amun và bà chủ nhà”. Quan tài của bà được mạ vàng công phu và trang trí bằng những ký tự từ “Cuốn sách của Cái chết” – tài liệu Ai Cập nổi tiếng tập hợp những bùa chú, phép thuật giúp linh hồn người quá cố sớm được hưởng cuộc sống yên vui cùng các vị thần linh.

Bảo tàng đã sớm xác định được xác ướp này vẫn còn bộ não ở bên trong. Tuy nhiên, những bức ảnh chụp CT lần này còn mang đến một bất ngờ mới khi tiết lộ xác ướp Henut-Wedjebu vẫn còn cả phổi. Điều này khá đặc biệt khi hầu hết các xác ướp Ai Cập được biết từ trước đến nay đều được loại bỏ não và toàn bộ nội tạng để dễ dàng bảo quản.

Các bác sĩ cũng tìm thấy những vật thể nhỏ quanh đầu của xác ướp. Đây có thể là một chiếc khăn buộc đầu, một tấm vải liệm hoặc những mảnh vụn chưa xác định.

2

Họa tiết trên quan tài Pet-Menekh. Ảnh: Đại học Washington

Pet-Menekh, cái tên với ý nghĩa “Người đấng tối thượng đã ban cho”, được cho là một thầy tu ở thời kỳ Ptolemy (khoảng năm 300 TCN). Ông qua đời ở độ tuổi 30-40, có thể do một chấn thương đột ngột hoặc bệnh cấp tính. Quan tài của Pet-Menekh được trang trí cầu kỳ với hàng trăm chữ tượng hình cùng hình vẽ của nữ thần sinh sản Isis và nữ thần bầu trời Nut.

Xác ướp cuối cùng với cái tên Amen-Nestawy-Nakht (ý nghĩa trong tiếng Ai Cập là “Chúa tể vùng Thượng và Hạ Ai Cập”) cũng được xác định là một linh mục ở Vương triều thứ 22 (945–712 TCN).

Xác ướp được bọc trong cartonnage (vật liệu chuyên dùng làm mặt nạ mái táng của người Ai Cập cổ đại, thành phần chủ yếu là vải hoặc giấy cói phủ bằng thạch cao). Người ta đã phát hiện ra chiếc quan tài của ông ở thành phố cổ Thebes.

3

Xác ướp Amen-Nestawy-Nakht có kích thước nhỏ hơn nhiều so với quan tài. Ảnh: Đại học Washington

Bất ngờ thay, những bức ảnh chụp CT mới đã cho thấy, xác ướp này có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với cỗ quan tài to lớn.

Quan sát kỹ hơn có thể thấy phần đầu của xác ướp đã lìa ra khỏi cơ thể, nguyên nhân được phán đoán là do những tên trộm mộ đến cướp phá.

Các chuyên gia còn tìm thấy một chiếc bùa hộ mệnh đeo trên cổ Amen-Nakht và đang cố gắng để tái hiện lại vật phẩm này.

Tiến sĩ Lisa Çakmak, trợ lý giám tuyển Bảo tàng Saint Louis cho biết: “Sự cầu kỳ trong quá trình ướp xác cho thấy cả ba người đều là những cá nhân khá giả trong xã hội. Chúng tôi mong điều này cũng sẽ được phản ánh qua tình trạng răng và xương của họ, từ đó, hiểu thêm về lối sống của tầng lớp thượng lưu thời kỳ Ai Cập cổ đại.”

‘Họ cũng là con người và họ phải được tôn trọng’

Ban đầu, các nhà khoa học đã cân nhắc việc chụp các xác ướp này bằng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI). Tuy nhiên, kim loại bị cấm khi dùng máy MRI (vì nam châm của máy có thể làm hỏng đối tượng được quét) mà không có cách nào để đảm bảo bên trong xác ướp không chứa đồ kim loại.

Thêm vào đó, hình ảnh mà MRI tạo ra phụ thuộc vào hàm lượng nước của các mô cơ thể, trong khi quá trình ướp xác đã làm khô kiệt nước. Bởi vậy, phương pháp MRI dường như không có tác dụng với xác ướp. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu lựa chọn phương pháp chụp CT để đưa ra những bức hình 3D chân thực.

4

Ảnh chụp CT cho thấy Henut-Wedjebu vẫn còn não và phổi. Ảnh: Đại học Washington

“Máy chụp CT mới này có độ phân giải không gian cao hơn và các lớp cắt hình ảnh sẽ giúp cung cấp nhiều thông tin về sức khỏe của xác ướp.” – Giáo sư Sanjeev Bhalla, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Trong lần chụp CT mới đây, các chuyên gia đã phát hiện dấu hiệu xơ cứng động mạch ở xác ướp. Đây có thể là một căn bệnh phổ biến trong xã hội Ai Cập cổ đại hoặc đơn giản cho thấy những gia đình giàu có thời kỳ này có khả năng mắc bệnh tim cao hơn.

Các nhà nghiên cứu cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng răng của xác ướp. Mức độ mòn trên răng giúp họ tính toán chính xác hơn tuổi của xác ướp vào thời điểm được chôn cất. Họ cũng sẽ tìm kiếm thêm bằng chứng xác định nguyên nhân tử vong của ba xác ướp này.

“Có một điều quan trọng mà các kỹ thuật viên như chúng tôi buộc phải ghi nhớ: Thứ chúng tôi đang đưa vào máy scan, họ là con người và họ phải được tôn trọng” – Bhalla nói.

“Chúng tôi thực hiện quá trình chụp CT trong bầu không khí trang nghiêm, và những nhân viên bảo tàng sẽ đóng vai trò như đại diện gia đình của các xác ướp.”

Nguồn: https://soha.vn/dua-3-xac-uop-ai-cap-vao-may-chup-ct-nhung-buc-anh-boc-tran-su-that-giau-kin-3000-nam-20201123003448768.htm

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button