Sức khỏe

Uống thuốc trước khi ăn hay sau khi ăn mới không gây hại

Uống thuốc trước khi ăn, sau khi ăn có sao không, hướng dẫn cách uống thuốc đúng và an toàn nhất…

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi uống thuốc

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng khi uống thuốc

Uống thuốc trước hay sau khi ăn mới đúng?

Trả lời câu hỏi này rất khó vì việc uống thuốc trước hay sau khi ăn phụ thuộc vào đó là loại thuốc gì.

Chẳng hạn như một số kháng sinh kém bền với môi trường axit như ampicillin, erythromycin, lincomycin… nên uống vào lúc bụng no (nhờ thức ăn trung hòa axit ở dạ dày); nếu uống vào lúc bụng đói làm tăng khả năng phân hủy thuốc do môi trường có nhiều axit tại dạ dày.

Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (gọi tắt NSAID như diclofenac, ibuprofen…) nếu dùng dạng không bao bảo vệ niêm mạc dạ dày thì nên uống lúc bụng no để không hại dạ dày.

Ngược lại, có khá nhiều thuốc kháng sinh nên uống lúc bụng đói vì giúp hấp thụ thuốc vào máu nhanh hơn để thuốc sớm cho tác dụng điều trị.

Còn thuốc được bào chế dạng bao tan ở ruột (như Aspirin pH8) hay dạng phóng thích dược chất kéo dài (như Adalate LP) nên uống lúc đói, tức để thuốc được đưa xuống ruột nhanh giúp màng bao viên thuốc không bị vỡ gây ảnh hưởng đến tác dụng thuốc.

Các thuốc tan nhiều trong dầu mỡ như vitamin A, D, E, K, kháng sinh kháng nấm griseofulvin nên uống cùng bữa ăn (ngay trước hoặc ngay sau cũng được) để nhờ chất béo của thức ăn thức uống giúp thuốc hấp thụ tốt hơn.

Thuốc trợ tiêu hóa bổ sung enzym tiêu hóa pancreatin (Festal, Neopeptine…) cũng nên uống cùng với bữa ăn (hoặc trước khi ăn 5-10 phút) để giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

Những lưu ý về nước uống thuốc

Nước dùng để uống thuốc nhiều khi chưa được người bệnh chú ý, dẫn đến tình trạng uống thuốc với nước trà, uống thuốc với sữa, hoặc uống thuốc trong khi uống rượu… đã gây nên tình trạng tương tác giữa thuốc với các đồ uống trên, nhiều khi gây nguy hiểm cho người bệnh…

Nước (ở đây là nước đun sôi để nguội, nước lọc tinh khiết) là đồ uống (dung môi) thích hợp nhất cho mọi loại thuốc vì không xảy ra tương kỵ hay tương tác nào khi hòa tan thuốc. Nước còn là phương tiện để dẫn thuốc (dạng viên) vào dạ dày – ruột, làm tăng độ tan rã của thuốc và hòa tan hoạt chất, giúp cho thuốc được hấp thu dễ dàng.

Vì vậy, khi uống thuốc cần uống đủ nước (ít nhất từ 100 – 200ml cho mỗi lần uống thuốc) và uống trong tư thế người thẳng để thuốc có thể trôi dễ dàng xuống dạ dày, tránh đọng viên thuốc tại thực quản có thể gây kích ứng, loét thực quản, đặc biệt đối với người cao tuổi.

Trong quá trình dùng thuốc điều trị, cũng nên uống nhiều nước hàng ngày, có thể uống từ 1,5 – 2 lít nước/ngày để làm tăng tác dụng của thuốc (đối với các loại thuốc tẩy), tăng thải trừ và làm tan các dẫn xuất chuyển hóa gây hại của thuốc đối với cơ thể. Ví dụ như khi uống các sulfamid kháng khuẩn chẳng hạn… Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, khi uống các thuốc tẩy sán, tẩy giun như niclosamid, mebendazol thì lại cần uống ít nước hơn bình thường để duy trì nồng độ thuốc cao trong ruột, sẽ có hiệu quả cao hơn.

Không dùng nước quả, nước khoáng hoặc các loại nước ngọt đóng hộp có gas để uống thuốc vì các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc gây hấp thu quá nhanh, sẽ gây độc…

Không dùng sữa để uống thuốc vì trong thành phần của sữa có chứa canxi. Nhiều thuốc tạo phức với canxi của sữa sẽ không được hấp thu (ví dụ như kháng sinh tetracyclin, lincomycin, muối Fe…), do đó sẽ giảm hoặc không có tác dụng chữa bệnh.

Không dùng chất kích thích khi uống thuốc

Bên cạnh đó, cũng không dùng cà phê hay nước chè để uống thuốc. Hoạt chất cafein, tanin có trong cà phê, nước chè cũng sẽ làm tăng hoặc giảm tác dụng hoặc gây kết tủa một số thuốc điều trị… không những làm ảnh hưởng tới kết quả điều trị bệnh mà còn gây tai biến.

Trong quá trình dùng thuốc, nhiều người vẫn uống rượu, điều này vô cùng nguy hiểm. Rượu có rất nhiều ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, hệ tim mạch, sự hấp thu của đường tiêu hóa. Người nghiện rượu còn bị giảm protein huyết tương, suy giảm chức năng gan, nhưng lại gây cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc của gan, vì thế, rượu có tương tác với rất nhiều thuốc và các tương tác này đều là bất lợi.

Do đó, khi đã dùng thuốc thì không uống rượu. Với người nghiện rượu cần phải dùng thuốc, thầy thuốc cần kiểm tra chức năng gan, tình trạng tâm thần… để chọn thuốc và dùng liều lượng thích hợp, trong thời gian dùng thuốc cũng phải ngừng uống rượu.

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button