Cẩm nang

Cách luộc gà cúng tất niên, giao thừa ngon đẹp, không bị nứt da

Chi tiết cách luộc à cúng Tết (tất nhiên, giao thừa) đơn giản, không bị nứt, lên màu đẹp mà ai cũng có thể thực hiện được…

Cách chọn, làm thịt gà cúng

Theo thông lệ, gà dùng để luộc cúng trong các dịp giỗ chạp, lễ tết phải là gà trống, có mào đẹp. Để chọn được một con gà trống tơ ngon, nên chọn những con mào đỏ tươi, nhú đều nhau, chân vàng, lông mượt là gà khỏe, ức đầy. Bấm nhẹ phía dưới ức thấy xương mềm; vạch nhẹ lông ra thấy da ấm, mềm, mỏng là gà ngon, đạt tiêu chuẩn.

Gà trống đẹp

Chọn gà trống đẹp, khỏe mạnh để làm gà cúng

Sau khi chọn được gà, công đoạn mổ cũng không kém phần quan trọng. Để có gà cúng đẹp, phải mổ moi từ phía bụng sau. Tiếp đó, phải rửa gà thật sạch để tránh bị đục nước khi luộc.

Gà rửa xong thì dùng lạt mềm buộc cố định cánh, cổ và phần đầu để tạo dáng sao cho đẹp.

Xem video hướng dẫn cách mổ moi

Cách luộc gà cúng không bị nứt

Gà xát muối cả ngoài da và phía trong, rửa sạch. Nếu bạn muốn thắp hương gà cả con thì trước khi cho gà vào nồi bạn nên định hình gà cho đẹp, dùng lạt buộc cổ giữa hai cánh gà, cổ vươn cao, hai cánh xòe ra, gập đôi chân cài vào trong bụng cho gọn.

Cho gà vào nồi sâu lòng sao cho bụng hướng xuống dưới cùng với gừng, hành đập dập và một chút muối, đổ nước ngập gà rồi đặt lên bếp. Cho gà vào nồi ngay từ khi nước còn lạnh giúp cho thịt gà chín dần từ ngoài vào trong, da không bị nứt. Nếu là gà đông để ngăn đá, bạn phải để rã đông hoàn toàn mới cho vào luộc.

Gà cúng cho vào nồi luộc

Gà cúng cho vào nồi luộc

Khi nước sôi, cho tiết lòng vào nồi và vặn nhỏ lửa trong khoảng 5 phút rồi vặn nhỏ lửa xuống hết cỡ. Sau 5 phút tắt bếp và đậy kín vung trong khoảng 20 phút.

Thời gian luộc gà phụ thuộc vào trọng lượng và gà non hay già nhưng trung bình mất khoảng 40 phút.

Để kiểm tra xem gà chín chưa, bạn dùng đũa chọc vào gà, nếu đũa xuyên dễ dàng và không ứa nước màu hồng thì gà đã chín.Sau khi vớt gà ra, bạn thả ngay vào một chậu nước đun sôi để nguội, nước lạnh càng tốt để da gà không bị khô và xỉn màu. Chờ khi gà nguội hẳn mới vớt ra đĩa.

Khi gà đã ráo nước, dùng một củ nghệ gọt vỏ rồi giã nát vắt lấy nước trộn với phần nước mỡ gà (phần mỡ gà đã rán) quét một lớp lên da gà. Gà luộc lên sẽ có da màu vàng bóng, căng mượt, trông rất đẹp mắt.

Xem clip hướng dẫn cách luộc gà cúng

Gà cúng quay hướng nào?

“Lợn quay ra, gà quay vào” nghĩa là (khi cúng tế) mà nếu có đặt đầu lợn (hoặc cả con lợn) thì quay hướng đầu nhìn ra phía ngoài nhà; đặt gà thì để đầu gà hướng vào phía trong nhà.

Riêng về gà, theo ông Hà Thanh (Trung tâm Nghiên cứu cổ học Phương Đông – Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam), thì tùy lễ cúng mà có cách đặt để thích hợp.

Với mâm cúng trên bàn thờ gia tiên, thường là đặt đầu gà quay vào phía bát hương với tư thế há miệng, chân quỳ, cánh duỗi tự nhiên. Tư thế này được coi là “con gà biết kêu, biết gáy, đang chầu”. Không nên đặt gà quay đầu ra, vì tư thế đó được cho là gà “không chịu chầu”.

Gà cúng đặt trên cỗ xôi

Gà cúng đặt trên cỗ xôi

Gà cúng nếu đầu quay ra ngoài sẽ đẹp mắt hơn; quay đầu vào trong thì phao câu chổng ra ngoài, trông không được đẹp. Tuy nhiên, theo ông Hà Thanh, cúng tế cốt mang ý nghĩa tâm linh chứ không phải cho có hình thức đẹp.

Với mâm cúng giao thừa nên đặt đầu gà quay ra đường để đón ông thần Hành khiển coi việc nhân gian đi qua. Dân gian tin rằng mỗi năm Âm lịch có một ông thần Hành khiển, năm nào thần giỏi giang, anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật…

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button